Xu hướng chuyển dịch mới
Tại hội thảo "Tất cả đã thay đổi? Thay đổi mô hình kinh doanh, chiến lược kinh doanh" do CLB Các nhà kinh tế (VEC) phối hợp với Báo Doanh Nhân Sài Gòn tổ chức mới đây, TS. Cấn Văn Lực - Kinh tế trưởng của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho rằng, trong và sau đại dịch, thế giới xuất hiện 7 xu hướng dịch chuyển mới gồm: Xu hướng liên kết kinh tế theo khu vực; xu hướng bền vững (kinh tế xanh, năng lượng sạch...); các rủi ro phi truyền thống như thiên tai, dịch bệnh, thay đổi khí hậu... xuất hiện nhiều hơn; tính cạnh tranh chiến lược; chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất thay đổi; chính sách tiền tệ và tốc độ số hóa nền kinh tế diễn ra khá nhanh.
Đi theo đó, 6 xu hướng mới cũng được hình thành, gồm đầu tư vào các tài sản an toàn, gia tăng mua bán và sát nhập (M&A), cắt giảm chi phí và nhân công, cấu trúc lại chuỗi cung ứng và sản xuất toàn cầu, nội địa hóa, dịch chuyển đầu tư và xu thế áp dụng công nghệ, thay đổi cách thức làm việc. Cuối cùng là tâm lý người tiêu dùng thay đổi, nhất là tăng mua sắm online.
Thích ứng ra sao?
Bà Nguyễn Hồng Xuân Ngọc - Quản lý Kế toán và Phân tích Tài chính Công ty Amazon - Mỹ đánh giá, dịch Covid-19 đã làm thay đổi rất lớn thói quen tiêu dùng của khách hàng. Trong ngắn hạn, người tiêu dùng ưu tiên mua nhu yếu phẩm và giảm nhu cầu mua các mặt hàng xa xỉ và tăng mua sắm trực tuyến. Về dài hạn, người dùng sẽ quan tâm đến giá cả và giá trị hàng hóa, đặc biệt chuyển sang mua những thương hiệu không quen thuộc. Vì vậy, ngành thương mại điện tử đang đứng trước cơ hội nghìn năm có một. Tuy nhiên, thách thức mà DN Việt phải đối mặt cũng lớn hơn. Do rào cản gia nhập ngành thấp, khách hàng sẽ quan tâm nhiều đến giá cả và sự tiện lợi, đặc biệt là kém trung thành với các nhãn hàng hơn trước. Đồng thời, đòi hỏi giao hàng nhanh và đúng hẹn. DN Việt nếu không đảm bảo việc giao hàng và chuỗi cung ứng sẽ dễ mất khách hàng. Vậy nên, DN cần đầu tư mạnh vào kênh bán hàng online, phải có ứng dụng (app) riêng, marketing cũng nên mở rộng và đa dạng hóa nơi mua hàng, kho bãi. Nhân viên phải có kỹ năng sử dụng công nghệ cao và hiểu biết về digital marketing.
TS. Nguyễn Đăng Duy Nhất - Chủ tịch CMO Worldwide cho rằng, DN Việt Nam nên đầu tư vào công nghệ và con người, cần xem xét lại và tối ưu hóa quy trình hoạt động trước, sau đó mới ứng dụng công nghệ. Dẫn lời chuyên gia marketing Phillip Kotler cho rằng: "Khi kinh tế càng khủng hoảng, DN càng cần làm marketing. Vì vậy, nên tận dụng mọi cách để tiếp cận khách hàng và phải xem lại các yếu tố về quy trình, công nghệ và con người để có hướng thay đổi thích hợp, tạo ra mô hình riêng".
Nguồn lực từ đâu?
Giai đoạn khó khăn vừa qua, nhiều DN đã phải cắt giảm nhân sự nhưng theo ông Trần Quang Thắng - Viện trưởng Viện Kinh tế và Quản lý Kinh tế TP.HCM, đây được xem là giải pháp tình thế. TS. Võ Trí Thành cũng đánh giá, việc DN cắt giảm nhân sự là biện pháp cuối cùng trong các biện pháp cắt giảm chi phí. Dù cắt giảm thì DN vẫn giữ lại lao động chủ chốt, gắn với duy trì đào tạo nên bên cạnh việc cắt giảm, DN phải tái cấu trúc, thay đổi mô hình kinh doanh bên cạnh việc cầm cự.
TS. Duy Nhất khuyến nghị, ngoài việc cắt giảm, DN cũng nên chú ý tối ưu hóa nguồn nhân lực. Bên cạnh kỹ năng về công nghệ, lao động hiện nay còn cần phải giỏi ngoại ngữ để đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế mở hiện nay. Đặc biệt, càng khó khăn thì DN phải càng sáng tạo.
TS. Từ Minh Thiện - Hiệu trưởng Trường Đại học Văn Hiến cho rằng, nên tận dụng tối đa các chính sách hỗ trợ của Nhà nước để duy trì và phát triển. Hiện nay, chính sách hỗ trợ DN trong lĩnh vực nông nghiệp và công nghệ của TP.HCM rất nhiều. Các lĩnh vực khác cũng có nhiều chính sách nâng đỡ DN. Để nắm bắt và tiếp cận các chính sách này, ông Thiện khuyên DN nên liên hệ với các cơ quan đầu mối để tìm hiểu như Sở Công Thương hay Sở Kế hoạch và Đầu tư...
Ngoài ra, DN có thể hợp tác với các công ty công nghệ khi chuyển đổi số hay đổi mới công nghệ. Hoặc tìm vốn qua kênh ngân hàng đầu tư hay quỹ đầu tư, hoặc tìm nguồn hỗ trợ khác qua các tổ chức xúc tiến thương mại đầu tư để vượt qua khó khăn.
Nguồn tin: doanhnhansaigon.vn
doanh nghiệp Covid Covid-19 Doanh Nhân HCM Kinh tế Ngân hàng Sài Gòn Tài chính chiến lược chuyên gia chính sách doanh nghiệp giá trị hợp tác khủng hoảng phát triển sáng tạo sản xuất thói quen thói quen trực tuyến Đầu tư Đầu tư đầu tư