Cụ thể, bà Bùi Thị Mai Liên (SN 1974), Trưởng phòng Hành chính - Tư pháp thuộc Sở Tư pháp tỉnh Lâm Đồng đã bị bắt tạm giam ngày 15/6 để điều tra về hành vi “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” với số tiền hàng trăm tỷ đồng.
Bà Liên không chỉ là cán bộ cấp dưới mà còn là vợ của ông Đoàn Xuân Sơn - Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Lâm Đồng.
Ngoài bà Liên còn 3 cá nhân khác bị khởi tố, bắt tạm giam để phục vụ công tác điều tra, trong đó có 1 cán bộ phòng công chức số 1 thuộc Sở Tư pháp tỉnh Lâm Đồng. Nói tóm lại, ông Sơn vừa là cấp trên lại vừa là chồng của người bị khởi tố.
Đầu tháng 7, sau khi vợ bị bắt, ông Sơn đã bị đình chỉ công tác để tiến hành quy trình kiểm điểm, kỷ luật. Ông Sơn sau đó bị kỷ luật với hình thức khiển trách.
Hình thức kỷ luật “khiển trách” đối với ông Sơn được quy định trong khoản 1 điều 13 “Vi phạm trong công tác phòng, chống tội phạm” ở Quy định 102-QĐ/TW năm 2017 về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm: “Thiếu trách nhiệm trong quản lý, giáo dục dẫn đến có vợ (chồng), con hoặc cấp dưới trực tiếp phạm tội”.
Tuy nhiên, người viết cho rằng cũng cần cân nhắc, xem xét lại vì khoản 1 điều 13 của Quy định 102 nêu hình thức “khiển trách” với đảng viên vi phạm “gây hậu quả ít nghiêm trọng”. Trong khi đó, thiệt hại mà vợ ông Sơn gây ra lại rất nghiêm trọng, quy mô số tiền chiếm đoạt không hề nhỏ, lên tới hàng trăm tỷ đồng.
Chưa hết, những thông tin ban đầu cho thấy, thủ đoạn lừa đảo của bà Bùi Thị Mai Liên là rất tinh vi, có sự “dụng tâm” rất lớn.
Bà này lợi dụng vị trí công việc của mình cùng chồng (là ông Đoàn Xuân Sơn, Giám đốc Sở Tư pháp) và sử dụng các giấy chứng nhận quyền sử dụng nhà, đất (bản sao có công chứng) để thế chấp trong các hợp đồng vay mượn. Tuy nhiên, các giấy tờ gốc trong các hợp đồng vay nợ này đã được thế chấp cho các ngân hàng để vay tiền trước đó.
Tiếp đó, bà Bùi Thị Mai Liên dùng tiền vay được, bí mật trả nợ cho ngân hàng và lấy các giấy tờ gốc về nhà. Sau đó, bà Liên lại bán những ngôi nhà có giấy tờ đầy đủ này cho những người khác, nhưng không trả tiền cho chủ nợ.
Tin tưởng bà Liên giữ chức vụ cao và có chồng là Giám đốc Sở Tư pháp Lâm Đồng, rất nhiều người đã cho đối tượng này vay tiền và bị “mắc bẫy”.
Ngày 18/6, trên BLOG của Dân Trí, người viết đã có bài “Nếu đúng, Giám đốc Sở Tư pháp Lâm Đồng phải bị khai trừ Đảng!” và đến nay, người viết vẫn bảo lưu quan điểm nêu trong bài viết trên.
Được biết, ông Sơn đã có đơn xin thôi việc, sau đó chấp nhận sự phân công của UBND tỉnh Lâm Đồng, chịu sự điều động của Sở Nội vụ chuyển sang làm chuyên viên Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Bảo Lâm.
Việc ông Sơn nộp đơn xin thôi việc, nói gì cũng phần nào cho thấy sự tự trọng của ông cựu Giám đốc Sở. Hành động này đáng được ghi nhận.
Bị kỷ luật khiển trách và điều chuyển làm chuyên viên, tuy là cú “ngã đau” trên quan lộ của ông cựu Giám đốc Sở, nhưng nhiều người vẫn băn khoăn, có chắc ông Sơn không hay biết, không bao che cho những hành vi sai trái, phạm pháp của vợ mình và cũng là của cấp dưới hay không?
Chúng ta chờ các kết quả điều tra tiếp theo của cơ quan công an và đặt niềm tin vào sự nghiêm minh của pháp luật, sự nghiêm khắc của công tác quản lý cán bộ.
Từ vụ việc này cũng gióng lên hồi chuông báo động về nạn “lợi dụng chức vụ”, “lạm dụng tín nhiệm” ở bộ phận người thân quan chức.
Chưa nói đến lừa đảo như vợ ông Sơn thì thực tế vẫn không thể phủ nhận đâu đó “lệnh ông không bằng cồng bà”; còn biết bao trường hợp doanh nghiệp “sân sau” lộng hành, năng lực không có nhưng vẫn “bất khả chiến bại” trong đấu thầu công trình công; bao nhiêu vụ xây nhà, biệt thự của người thân quan chức trên đất nông nghiệp, đất công; bao nhiêu vụ con cháu quan chức thăng tiến “thần tốc”…
Có bảo kê hay không có bảo kê thì chưa biết, nhưng hai năm rõ mười cũng bởi cái bóng rất lớn của hai chữ “quyền lực” mà thôi.
Sau tất cả, người có tội phải chịu trách nhiệm hình sự, thế còn người giữ “quyền lực” cứ bị tước bỏ là… xong?
Bích Diệp
Nguồn tin: dantri.com.vn
doanh nghiệp công an doanh nghiệp giáo dục hành vi