28/09/2020 1:28  
Jenny Lee có một ước mơ: Sở hữu một căn hộ tại Seoul, nơi giá nhà bình quân khoảng 1 triệu USD/căn. Và, cô chọn chơi chứng khoán.

Năm nay 27 tuổi, đã thất nghiệp 1 năm và mới chỉ xin được việc làm vào tháng trước tại một bệnh viện, Lee đang thuê một căn phòng ở khu ký túc gần Seoul. Không có được một tấm bằng đại học danh giá - chìa khoá để có một chân tại các tập đoàn lớn như Samsung Electronics, Lee đã tìm ra một phương án khác để đổi đời: Lướt sóng chứng khoán

"Tại Hàn Quốc, những người cỡ tuổi 20 như chúng tôi chỉ có 2 cách để làm giàu: Trúng số hoặc chơi chứng khoán. Chúng tôi biết bản thân sẽ chẳng bao giờ giàu lên được chỉ nhờ tiền lương. Chúng tôi sẽ chẳng bao giờ đủ tiền để mua nhà", Lee nói.

Đặt cược vào cổ phiếu công nghệ Mỹ, Lee cũng như bao người khác, là một phần của làn sóng nhà đầu tư cá nhân đổ xô vào thị trường chứng khoán trong thời gian Covid-19 hoành hành. Hình thức đầu tư này đã và đang mọc lên như nấm sau mưa tại Mỹ, trong bối cảnh vô số người chán nản vì phải ở nhà do lệnh phong tỏa hoặc thất nghiệp, đã quyết định thử vận may bằng số tiền trợ cấp của mình trên các ứng dụng giao dịch chứng khoán dễ dùng và không tính phí môi giới.

Theo Bloomberg, Lee chỉ là một trong số hàng triệu nhà đầu tư cá nhân tại Hàn Quốc, vốn đóng góp đến 65% giá trị giao dịch cho Chỉ số Giá chứng khoán Tổng hợp Hàn Quốc (Kospi) vào năm nay. Năm ngoái, tỷ lệ này chỉ là 48%. 

Theo dữ liệu từ công ty môi giới chứng khoán Korea Investment & Securities, phần lớn số nhà đầu tư mới tăng thêm này ở độ tuổi 20 - 30, và nhiều trong số họ vay tiền để chơi chứng khoán. Theo cơ quan Dịch vụ Giám sát Tài chính Hàn Quốc, trong giai đoạn tháng 12/2019 - 6/2020, số lượng giao dịch ký quỹ để mua chứng khoán đã tăng 33%.

Tuy nhiên, điều đặc biệt ở nhóm nhà đầu tư cá nhân này, là sự kỳ vọng vào việc lợi nhuận từ chứng khoán sẽ giúp họ vươn lên trong một nền kinh tế vốn đã khan hiếm cơ hội từ trước khi Covid-19 bùng phát. Khi tiến trình toàn cầu hoá chững lại từ trước đại dịch, mô hình tăng trưởng dựa vào xuất khẩu của các tập đoàn gia đình đa quốc gia (chaebol) vốn đã bị ảnh hưởng. Đến thời điểm hiện tại, tìm việc làm thậm chí còn khó hơn, và vay thế chấp lại càng khó hơn nữa.

Rất nhiều tập đoàn đã ngừng tuyển dụng. Làn sóng người trẻ trong độ tuổi 15 - 29 thất nghiệp lên đến 10,1% trong quý II/2020, cao hơn hẳn tỷ lệ thất nghiệp tổng là 4,4%. Con số này có thể thấp hơn mức gần 20% mà thanh niên Mỹ đang đối mặt, song cần biết rằng, việc sa thải nhân viên tại Hàn Quốc cũng khó khăn hơn nhiều. Theo số liệu từ Cục Thống kê Hàn Quốc, 50% trong số 682.000 người từ bỏ tìm việc trong tháng 8 đang ở độ tuổi 20 và 30.

Với Jenny Lee, cô đang học thi để được nhận làm công chức. Tỷ lệ chọi là 40:1 và mức lương là khoảng 1.500 USD/tháng. Thế nhưng, nếu được nhận vào một chaebol, lương khởi điểm của cô có thể lên 34.000 USD/năm.

Tuy nhiên, theo Giám đốc Đầu tư Cổ phiếu tại Macquarie Investment Management Hàn Quốc Jeon Kyung-Dae, "xã hội" mới là chỉ báo thể hiện rõ điều gì đang thúc đẩy thị trường chứng khoán hơn là "kinh tế". Trong đó, lãi suất thấp khiến mọi chuyện trở nên tồi tệ hơn, khi làm tiền tiết kiệm mất giá mỗi ngày.

"Đối diện với một thị trường lao động đóng băng, thế hệ 8x tại Hàn Quốc đang tuyệt vọng", và giá bất động sản liên tục leo thang ngày càng kiến sự phẫn uất này tăng lên, Lee Han Koo - một giáo sư tại Đại học Suwon cho biết. "Trong bối cảnh này, chơi chứng khoán là cơ hội có một không hai" để đổi đời.

Lo ngại sự xuất hiện của bong bóng nhà đất, chính phủ Hàn cũng đã có những biện pháp can thiệp để hạn chế đầu cơ, như quy định hạn mức cho vay mua nhà dựa trên giá trị đối với các căn nhà có giá dưới 900 triệu won là 40%. Được biết, giá nhà tại xứ sở kim chi tăng liên tục từ năm 2014, khiến việc sở hữu một căn nhà càng lúc càng xa vời với nhiều người.

Một căn hộ tại thủ đô Seoul - nơi một nửa dân số và phần lớn công ty đặt trụ sở, có giá bình quân là 918,1 triệu won (792.000 USD), trong khi thu nhập bình quân đầu người của Hàn Quốc là 32.047 USD/năm. Riêng tỷ lệ nợ hộ gia đình trên thu nhập sau thuế là 180% - cao nhất trong các nước thuộc OECD.

"Việc mua nhà là gần như không thể nếu không có bố mẹ giúp đỡ, nên tôi hy vọng chứng khoán có thể mình đủ tiền để mua nhà", Park Sung-woo - một nhân viên 28 tuổi thuộc một công ty tái chế tại Seoul nói.

Theo Bloomberg, các nhà đầu tư cá nhân tại Hàn Quốc không lạ gì với các bong bóng đầu cơ. Vào cuối những năm 90, họ từng rót tiền vào bong bóng dotcom trước khi nó phát nổ; tham gia trái phiếu cấu trúc gắn với cổ phiếu và ngoại hối vào 10 năm trước; đổ tiền vào Bitcoin trong năm 2017 và vào năm ngoái là mất tiền cho quỹ đầu cơ kém thanh khoản. Song, lần này, dường như ai cũng chơi chứng khoán.

"Tôi có vài người bạn mua cổ phiếu của các công ty công nghệ sinh học, vì thích tên các công ty đó", Jang Ho-yoon - một sinh viên kinh tế 26 tuổi nói, đồng thời cho biết cả 5 người trong gia đình anh đều đang chơi chứng khoán.

Nếu lịch sử lặp lại, đến một lúc nào đó, giới chức Hàn Quốc sẽ lại can thiệp để hạn chế đầu cơ. Năm nay, chỉ số Kospi và Kosdaq (tập trung vào công nghệ) đã tăng lần lượt 6% và 25%, đưa chúng vào top các chỉ số tốt nhất thế giới. Tuy nhiên, trong mắt các nhà đầu tư cá nhân Hàn Quốc hiện giờ, chơi chứng khoán đơn giản là cách nhanh nhất để mua nhà.

"Trước đây, để địa vị xã hội tăng lên, người Hàn Quốc sẽ phải học hành chăm chỉ, tốt nghiệp trường danh giá, có công việc tốt trong một chaebol và cuối cùng là tậu được một căn nhà tại Seoul", Dong-Hyun Ahn - Giáo sư kinh tế tại Đại học Quốc gia Seoul nói.

"Nhưng, dù thậm chí có tốt nghiệp tại trường danh giá và có công việc tốt trong một tập đoàn, việc mua một căn nhà bây giờ vẫn là không thể".

Nguồn tin: doanhnhansaigon.vn


bất động sản   Tài chính   làm giàu   Đầu tư   Covid