Brooklyn đã thực sự vào thu. Thời tiết khá lạnh. Cái lạnh hay khiến lòng người xao xuyến hay hồi nhớ về những chuyện đã qua. Những tán cây đã bắt đầu chớm vàng, gió thổi xào xạc hơn. Ở trước những căn nhà cổ, người chủ đã bắt đầu đặt những vòng hoa khô và những trái bí đỏ trên bậc thềm trước cửa: dấu hiệu của mùa thu đã về. Mùa thu Brooklyn thật đáng yêu!
Lang thang trên đường phố một lúc, bước chân tôi chợt dừng lại trước một khu phố Tàu Brooklyn (Đường số 8): “A! Sắp đến trung thu rồi”, tôi thầm nghĩ khi nhìn thấy những chiếc bánh trung thu đã được bày biện đẹp mắt và những chiếc lồng đèn đủ màu sắc, kích cỡ được treo kín khắp các gian hàng trong khu phố. Những cậu bé, cô bé châu Á đang nũng nịu đòi cha mẹ mua bánh trung thu và lồng đèn. Lòng tôi lại bồi hồi với những kỷ niệm về những mùa trung thu cũ ở quê nhà.
Chiếc lồng đèn ông sao "thần thánh"
Tôi nhớ mùa trung thu đầu tiên khi chúng tôi vừa dọn đến xóm Nguyễn Trung Trực. Lúc này, ba cũng vừa có đợt nghỉ dài hạn sau bao tháng xa nhà với nghề tàu biển lênh đênh nay đây mai đó. Ba hứa sẽ làm cho chị em tôi một chiếc lồng đèn ông sao to nhất xóm. Tôi nhớ lúc đó tôi mới 9 tuổi và em trai tôi 5 tuổi.
Ba làm tất cả các công đoạn từ mua ống tre về vót thành que đến cột các thanh tre lại bằng dây thép theo hình ông sao. Thật khó khăn khi uốn các thanh tre theo hình ông sao cho vừa đều, vừa đẹp. Sau đó, ba hì hụi dán giấy bóng đỏ lên. Ba còn cắt một chùm tua rua giấy đủ màu treo dưới đáy. Cái lồng đèn ông sao ba làm còn to và cao hơn cả người tôi.
Em trai tôi chạy lúp xúp quanh ba nói: “Cái lồng đèn này sẽ sáng hơn cả đèn cái khách sạn Nha Trang Lodge ở ngoài biển luôn”. Lý do là lúc này cả thành phố Nha Trang tôi mới có khách sạn Lodge xây trên đường Trần Phú là chuẩn mực cho cái đẹp, to và sáng trong con mắt người dân ở đây. Em trai tôi thích thú quá nên đã so sánh như vậy.
Hồi đó chỉ có đèn giấy hay đèn giấy bóng dán theo hình ngôi sao, con thỏ, con cá… Sang hơn là đèn lồng xếp được bán ở chợ Xóm Mới cạnh nhà. Nghe mấy cô bán hàng nói là chúng được mang về từ khu chợ người Hoa ở quận 5, TP.HCM.
Còn lại phần lớn đều là đèn “cây nhà lá vườn”. Tôi nhớ, có anh em hàng xóm tuổi bằng chị em tôi đục 2 cái lon sữa ông Thọ rồi bỏ cây đèn cầy vào, xỏ thêm cọng dây thép và một cái que tre dài thế là đẩy đi rước đèn như ai.
Trước trung thu cả tuần, trẻ con chộn rộn chạy qua nhà nhau để xem kế hoạch đi rước đèn và để dò thám xem lồng đèn của bạn năm nay sẽ là gì. Đối với lũ trẻ con chúng tôi ngày ấy, cầm cái lồng đèn độc đáo nhất để đi rước đèn trung thu khắp xóm là niềm hãnh diện không thể sánh được.
Đêm trung thu năm đó, cái lồng đèn “ông sao 5 cánh tươi màu” đã đem về cho chị em tôi sự trầm trồ, tán thưởng. Lũ trẻ xóm hẻm ở khu phố bên cạnh mà phần lớn là hộ gia đình lao động chân tay kéo sang xóm tôi để xem cái lồng đèn khổng lồ mà ba làm cho chị em tôi.
Nhớ vị bánh trung thu quê nhà
Bánh trung thu luôn là món khoái khẩu của tôi ngày ấy, nhất là bánh được mua tại tiệm Gia Trân nổi tiếng một thời. Hồi đó Nha Trang chỉ có 2 - 3 tiệm bánh chứ không nhiều như bây giờ. Bánh mới làm, mềm và thơm, ăn một lần là nhớ mãi.
Hồi đó hầu như nhà nào cũng còn khó khăn về kinh tế nên mỗi dịp trung thu về chỉ có 1-2 hộp bánh ở trong nhà. Mỗi hộp có 2 bánh dẻo, 2 bánh nướng được bỏ trong một cái hộp bìa giấy mộc mạc có hình chị Hằng chơi trăng.
Tôi nhớ ba mẹ mua những hộp bánh này trước trung thu khoảng 1 tuần để cúng ông bà. Mỗi lần ăn cơm xong chị em tôi lại được mẹ cắt cho 1 khoanh nhỏ ăn tráng miệng. Vị ngon ngọt đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ.
Ngày nay, trẻ con có cuộc sống đầy đủ hơn và có nhiều thú giải trí khác nên không còn thấy quý giá những niềm vui nho nhỏ mỗi dịp trung thu về, chia nhau từng mẩu bánh nướng bánh dẻo, gọi nhau đi rước đèn khắp xóm, hay có lúc phải khóc òa vì lỡ tay để nến nghiêng cháy cái lồng đèn giấy.
Xóm tôi bây giờ khác xưa nhiều… Trung thu là những lồng đèn kêu ò í e, cũng không còn lũ trẻ rủ nhau rước đèn khắp các con đường. Đèn điện từ các quán cà phê, khách sạn, nhà hàng phục vụ du lịch sáng choang át hẳn cả ông trăng thì cái đèn lồng, đèn giấy với ngọn nến nhỏ nhoi trở nên lạc lõng, nhạt nhòa biết mấy!
Tự dưng tôi nhớ lại bài hát cũ:
“Tết trung thu em rước đèn đi chơi,
Em rước đèn đi khắp phố phường …”
Tuổi thơ ở xóm chợ Xóm Mới là một phần đời của tôi mà dù có đi đâu, có thành đạt đến thế nào, tôi vẫn luôn nâng niu và cất giữ trong trái tim. Tôi gọi đó là thời gian hạnh phúc!
Chiều nay mở hộp bánh trung thu, nghe quảng cáo là loại hảo hạng, vừa mua ở phố Tàu Brooklyn ra ăn thử, tôi buột miệng nói nhỏ: “Vẫn không ngon bằng bánh ở quê nhà mẹ ơi!”